Kết quả điều tra hơn 1.000 doanh nghiệp (DN) trên toàn quốc của Vụ Thương mại điện tử (Bộ Thương mại) cho thấy, số máy tính trung bình tại mỗi DN lên tới 17,6 và trung bình cứ 6,3 người có một máy tính; tỉ lệ DN đã kết nối Internet là 92%; nhiều lớp tập huấn về thương mại điện tử (TMĐT) cho DN đã được tổ chức và thu hút đông đảo học viên trên khắp các tỉnh, thành trong cả nước… Điều này chứng tỏ thị trường thương mại điện tử đang dần hình thành và hầu hết các DN thấy được lợi ích của thương mại điện tử.
Số lượng và chất lượng các website kinh doanh là một tiêu chí quan trọng để đánh giá mức độ phát triển TMĐT, đặc biệt trong bối cảnh DN VN vẫn còn bỡ ngỡ với các phương thức tiến hành TMĐT của thế giới. Theo thống kê của vụ TMĐT (2007), hiện có 98,3% DN Việt Nam có website giới thiệu Công ty. Tuy nhiên, 62,5% các website này chủ yếu dùng để giới thiệu sản phẩm và dịch vụ. Số website cho phép đặt hàng qua mạng Internet là 27,4% song chỉ có 3,2% cho phép thanh toán trực tuyến.
Theo đánh giá của Vụ TMĐT, DN mới chỉ dừng lại ở mức độ quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm và trao đổi thông tin bằng các phương tiện điện tử. Ở cấp độ cao hơn, việc giao dịch và ký hợp đồng bằng các công cụ điện tử cũng được một số DN ứng dụng, nhưng con số này chưa nhiều. Với giao dịch trong nước DN vẫn có xu hướng sử dụng giấy tờ truyền thống. Chính vì vậy, nhiều DN cho rằng cần nhiều thời gian để thay đổi thói quen tiêu dùng và tập quán kinh doanh.