ĐỂ LÀM VIỆC HIỆU QUẢ
1. Giữ được sự cân bằng
Kết quả điều tra đối với hơn 4000 đàn ông thành đạt cho thấy:
– Trong số giám đốc cỡ vừa, có 48% cho rằng cuộc đời trống trải, hầu như không có ý nghĩa gì.
– Trong số những người thành đạt về sự nghiệp, có gần 60% cho rằng họ đã đánh mất bản ngã, mất quá nhiều thời gian vào việc chạy theo vật chất.
– Trong số giám đốc cấp cao, có 68% cho rằng mình thờ ơ với cuộc sống gia đình, một mực chạy theo danh tiếng. Còn 50% cho rằng, nếu thời gian có thể quay ngược trở lại, họ sẽ làm việc ít đi để dành nhiều thời gian vui vầy với vợ con.
– Cũng có 23% dường như cảm thấy hài lòng về mình và hoàn cảnh của mình. Bí quyết của họ là trong khi làm việc cật lực, không quên tìm niềm vui thư giãn, vừa coi trọng sự trưởng thành của cá nhân, vừa trọng thị gia đình và bạn bè. Địa vị, tiếng tăm, tiền của không phải động lực nguyên sơ thúc đẩy họ phát triển.
Thống kê này cho thấy, chúng ta cần phải cân đối cuộc sống của chúng ta, không nên đi vào cực đoan. Cần quan tâm đến chất lượng và niềm vui của cuộc sống, những thứ hào nhoáng bên ngoài chỉ là mây bay gió thoảng trước mặt, tô điểm cho cuộc đời thêm vẻ huyền ảo hư vô.
2. Tìm cách bắt nhịp với công việc
Có những người đàn ông thích công việc của họ, tuy có nhiều nguyên nhân, song đa phần nguyên nhân có thể quy vào một mối là, hứng thú, quan niệm giá trị, mục tiêu cuộc đời và năng lực cá nhân của anh ta không hề ăn nhập với công việc.
Con người nếu biết kết hợp tự thân, lối sống của mình với công việc, anh ta sẽ có được cảm giác thỏa mãn ở mức tối đa.
Thông thường, người ta hay khuyên người đàn ông trung niên rằng: "Hãy chậm lại, không nên khẩn trương như thế". Đến nỗi anh ta ngộ nhận rằng, chậm lại và thư giãn là phương thức tốt nhất để xóa bỏ nỗi buồn bực trong công việc. Song căn nguyên cơ bản không ở mệt mỏi mà do cá nhân và công việc không ăn nhịp với nhau.
Người đàn ông ngày làm 10 tiếng đồng hồ, về tới nhà là thấy mệt bã người và buồn chán, thế mà cuối tuần tổ chức thân hữu chục người đi leo núi, cắm trại, về đến nhà mệt lử người nhưng lại vui vẻ phấn chấn, tại sao vậy? Cho nên, lẩn trốn công việc không giải quyết được vấn đề gì, giúp anh ta tìm kiếm một công việc thích hợp mới là cách giải quyết triệt để vấn đề.
Mô hình trưởng thành của người đàn ông bình thường là, về mặt công việc, sớm muộn anh ta sẽ phát hiện năng lực của mình vượt quá yêu cầu của công việc. Chúng ta có thể giả thiết như thế này: năng lực của anh ta sẽ vượt qua tự thân, không ngừng phát triển, song tính chất công việc không thay đổi dẫn đến sự mất cân đối, làm cho xúc cảm của anh ta không được thỏa mãn,
Năng lực của anh ta có khoảng cách với yêu cầu của công việc, điều đó không có gì xấu, trên thực tế, đó là hiện tượng bình thường.
Ví dụ, trong thời gian nghỉ hè. một sinh viên tìm được việc làm tại một quầy bán đồ chơi trẻ em trong cửa hàng bách hóa. Khách hàng ít lai vãng, thỉnh thoảng mới có vài ba người khách đến ngó qua, phần lớn thời gian nhàn rỗi như không có việc gì để làm. Niềm vui và tinh thần hưng phấn tìm được việc làm nhanh chóng tiêu tan, sinh viên này cảm thấy công việc tẻ nhạt, không có gì mới lạ, dường như bất cứ người nào cũng có thể làm được.
Để đỡ buồn chán, anh ta nhẩm đọc những bài thơ mình thích trong những lúc nhàn rỗi, hoặc nghĩ ngợi một số nhân vật trong tiểu thuyết, thế là anh ta cảm thấy mình đang được hưởng thụ phần công việc này.
Cho nên, tìm việc làm khác hoặc tìm cách làm cho công việc đang làm có thêm ý nghĩa mới, đều là phương thức giải quyết vấn đề tối ưu vậy.
3. Sự lựa chọn tối ưu
Bạn thấy chưa, cùng là sức ép, nó vừa có thể khiến người đàn ông biến thành "kẻ cuồng việc" hoặc thất vọng, chán nản muốn lẩn trốn, lại có thể trở thành cái bàn đạp chờ thời cơ đi tìm một công việc mới phù hợp hơn.
Nhân lúc tình hình ở vào trạng thái tiến thoái lưỡng nan, hãy đánh giá lại bản thân một cách sâu sắc và công bằng, rồi đi tìm công việc khác phù hợp hơn. Chúng ta có thể rút ra kết luận như thế này: Căn cứ cá tính và tài năng trời phú của bạn, có thể chuyển hướng công việc, lựa chọn con đường đi vào một môi trường làm việc hoàn toàn mới mẻ.
Tại sao nhiều người đàn ông trung niên không muốn làm như vậy? Vì họ sợ đối diện với chính mình.
Nhìn rõ sự thật có thể khiến anh ta càng bất mãn với công việc, nhìn rõ sự thật có thể khiến nỗi lo vốn hời hợt của anh ta biến thành nỗi thất vọng sâu sắc, và rất có thể buộc anh ta từ bỏ công việc hiện nay. Sự thật đó là – phần lớn đàn ông không tài nào chịu nổi cuộc sống biến động bất ổn trong thời kỳ trung niên.
Cho nên, sự lựa chọn tốt nhất là thành thật đối diện với chính mình.
Song người ta lại phát hiện một sự thật là, sự thất vọng đối với công việc sẽ có một lúc nào đó tự tan biến.
Một vị cao niên nói: "Tôi năm nay 55 tuổi, 14 năm trước, nếu sếp nói với tôi rằng, thành thật mà nói, tôi không thể đề bạt anh, thì tôi rất có thể trả lời ông ấy rằng, việc này anh dành cho người khác đi, tôi xin từ chức không làm nữa. Song đến tuổi tôi bây giờ, tôi còn đi đâu được? Ai còn tuyển dụng người lớn tuổi như tôi?"
Một người cao niên khác nói: "Năm nay tôi 53 tuổi. Năm 42 tuổi tôi giữ chức phó giám đốc, thời bấy giờ được coi là thành đạt sớm đấy. Tôi vốn cảm thấy công việc vừa thành công, vừa ổn định. Nửa tháng về trước, một thanh niên 29 tuổi được đề bạt làm phó giám đốc, ngang hàng với tôi. Phải thừa nhận anh ta có tài, rất được việc. Là viên chức cao cấp, tôi đương nhiên thừa nhận thế giới quanh chúng ta đang thay đổi nhanh chóng, chuyện lạ lẫm gì cũng có thể xảy ra. Nhưng thú thật, trong thâm tâm tôi thấy kinh hoàng và trống trải. Nếu 29 tuổi đã làm phó giám đốc thì điều đó há chẳng có nghĩa là chẳng bao lâu nữa tôi sẽ bị thay thế?"
Cuốn tiểu thuyết "Cái chết của người chào hàng" đã nói lên hiện thực xã hội ngày nay: một viên chức tận tụy làm việc cho công ty, đến 60 tuổi lực tàn sức yếu thì bị công ty sa thải. Ông than rằng: "Tôi làm việc cả đời cho công ty, các ông không nên vắt chanh bỏ vỏ".